Những ngày cuối năm đang dần trôi qua, cái tết cận kề, người Việt ai cũng tranh thủ sửa chữa lại ngôi nhà của mình để đón tết. Theo quan niệm đầu năm mới thì vật gì cũng phải thay mới để mang lại may mắn hơn cho cả năm, vì vậy một ngôi nhà được tân trang, sửa chữa mới là không thể thiếu trong dịp cuối năm này.
Trang trí, sửa nhà cửa sao cho tiết kiệm và khoa học là vấn đề khá nan giải đối với nhiều người, khi ngân sách dịp cuối năm còn để chi tiêu cho nhiều khoản khác. Sau đây là một số lưu ý dành cho bạn:
1. Lập kế hoạch rõ ràng những thứ cần sửa
Bạn nên xác định, lập kế hoạch rõ ràng các không gian cần phải sửa, bởi không bạn sẽ rơi vào tình trạng sửa chữa tràn lan, không đúng chủ đích và thâm hụt ngân sách đề ra.
Những gì không cho trong danh mục đã lập thì nên loại bỏ vì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, cũng như thẩm mỹ của căn nhà bạn. Do đó, một lần nữa bạn nên xác định rõ danh sách những thứ cần sửa cho căn nhà và thực hiện sao cho phù hợp với không gian sống của gia đình bạn.
Dịp cận tết ai cũng bận bịu đủ thứ việc nên nếu gia chủ không sắp xếp kế hoạch từ trước thì sẽ gặp khó khăn trong việc gọi thầu thi công sửa chữa. Đối với các nhà thầu, tết là quãng thời gian khá “đắt sô” sửa chữa, trang hoàng nhà cửa, có lẽ cũng vì theo tập quán của người Việt ta cứ thi nhau sửa nhà, sửa cửa, từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều, từ bình dân đến cao cấp… dẫn đến quá tải, hút hàng và hút người, kéo theo giới kinh doanh vật liệu lẫn nhà thầu đều hay làm giá.
Vì vậy, nếu đã có ý định sửa nhà thì các gia chủ phải tính toán trước về mặt thời gian để có thể làm việc với các nhà thầu trước nhằm giúp họ chuẩn bị lực lượng, tránh việc thiếu quân sẽ gây chậm trễ tiến độ công việc cũng như làm giảm chất lượng thi công. Tốt nhất là gia chủ nên tiến hành việc sửa nhà trước tết hai tháng cho những sửa chữa nhỏ, và thậm chí là năm tháng cho những sửa chữa lớn. Đó là quãng thời gian đủ dài để gia chủ có thể chủ động được công việc, tránh căng thẳng bởi thợ thầy cũng hay bị “rối” vào dịp cuối năm. Những gia chủ nhiều lần làm “khổ chủ” khi sửa nhà nêu kinh nghiệm rằng: nên lấy mốc ngày đưa ông táo (23.12 âm lịch) làm hạn chót để dứt khoát dừng hẳn mọi việc, thanh toán công xá, vật tư sòng phẳng, dọn dẹp vệ sinh, có gì ra tết tính tiếp. Mà để làm được điều đó thì chắc chắn phải biết hạn chế khối lượng công việc sửa nhà trong khả năng kiểm soát được
2. Tính toán thời gian hoàn thành
Đừng để “Nước đến chân mới nhảy” sẽ dẫn đến tình trạng cập rập, không có thời gian giám sát, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, thẩm mỹ căn nhà của bạn.
Nếu kế hoạch sửa nhà của bạn có nhiều hạng mục, bạn nên tham khảo các ý kiến của các kỹ sư công trình trước tiên và nên dự trù thêm thời gian để có thể trang trí theo ý muốn của gia đình, hoặc dự liệu được những tình huống phát sinh trong khoảng thời gian thực hiện.
3. Hoạch định chi phí
Đây là điều bạn cần lưu ý nhất khi sửa nhà. Cuối năm bạn có nhiều khoản để chi tiêu cho gia đình và mua sắm tết…Hơn nữa, giá vật liệu có thể tăng đột biến vào dịp tết.
Nếu sửa, bạn nên có bản phân tích cụ thể, ví dụ trả lời những câu hỏi sau: Diện tích nền nhà được sửa bao nhiêu m2, dùng loại gạch gì? mỗi m2 bao nhiêu tiền?
Theo kinh nghiệm của những người đã sửa nhà và các kĩ sư thiết kế xây dựng, bạn nên dự trù kinh phí lớn dự toán hơn ban đầu khoảng 20%.
4. Dịch vụ sửa chữa và những lưu ý
Nhiều gia đình lựa chọn dịch vụ sửa chữa trong dịp tết bởi đây là cách nhanh nhất, họ chỉ cần giám sát và không phải quan tâm nhiều đến công việc tiến hành.
Tuy nhiên, không ít gia đình đã lâm vào cảnh dở khóc dở cười khi sử dụng dịch vụ sữa chữa nhà ngay trong giai đoạn thi công nhưng không đảm bảo chất lượng như cam kết ban đầu, dẫn đến tình trạng Tết cận kề tết mà chưa xong, nhà cửa lộn xộn. Hơn thế nữa, một số trường hợp lừa đảo thì đến và nhận tiền cọc, làm được vài ngày thì không còn thấy công nhân đến làm nữa…
Do đó, khi bạn sử dụng dịch vụ sửa chữa nhà đón Tết hãy lưu ý những điều sau:
• Chọn những Công ty sửa chữa có uy tín, hoặc những nơi quen biết.
• Phải ký hợp đồng với công ty sửa chữa về các điều khoản, nhất là thời gian thi công, chi phí không nên chỉ giao kết qua miệng để tránh tình trạng kéo dài lê thê, chi phí bị đội lên cao.
• Trong quá trình thi công hãy đừng “khoán trắng” cho họ mà hãy giám sát thật chi tiết.
Với những lưu ý trên chúng tôi hi vọng nó sẽ giúp ích cho bạn và gia đình có được kế hoạch sửa nhà hợp lí vào dịp tết.